TRÍ TUỆ PHÂN BIỆT THIỆN ÁC
Có người nói” Tôi tu chỉ cần tâm thanh tịnh, không thiện, không ác”. Hiểu như thế rất sai. Vì sao vậy? Vì tâm thanh tịnh là kết quả của một nội tâm thuần thiện. Người có được tâm thuần thiện rồi mới có được thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh rồi, dĩ nhiên ta không nghĩ thiện, không nghĩ ác, nhưng cái gốc của nó vốn là điều thiện.
Nên chúng ta cần nhớ: CÓ THIỆN MỚI CÓ TÂM THANH TỊNH.
Tuy nhiên, dù làm được rất nhiều điều thiện nhưng đừng chủ quan, bởi kiết sử vẫn chưa hề hết, những ích kỉ, hơn thua, tham lam, sân hận cực kỳ vi tế vẫn còn tiềm ẩn trong tâm. Chỉ cần ta chủ quan thì thất bại, đổ vỡ đã trực chờ ngay trước mặt. Ví dụ: ta làm việc từ thiện rất nhiều, giúp người, giúp đời, bố thí người này, giúp đỡ người kia… thì đừng vội nghĩ rằng: “Do tôi làm điều thiện nhiều quá, nên tôi không còn là người xấu nữa”. Mà chúng ta phải hiểu rằng: ngày nào mình chưa thành Phật thì những mầm mống của ích kỉ xấu xa chưa hết. Mặc dù có thể nó rất yếu, nhưng nó vẫn còn tồn tại, và chỉ cần ta sơ hở, chủ quan, tự mãn một chút thôi là những kiết sử đó sẵn sàng nổi lên chi phối tâm hồn ta, sai khiến ta làm những điều sai trái, làm ta xấu xa trở lại liền.
—
ĐIỀU THIỆN VĨ ĐẠI KHÔNG GÌ BẰNG LÀ XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC CHO CON NGƯỜI
Người tu sĩ tu hành chân chính là đem cả cuộc đời mình ươm mầm đạo đức, nên ta hiểu vì sao các vị nhận được sự quý kính từ mọi người. Nếu nhìn một tu sĩ mà ta thấy vị đó tuy hiền lành, thâm trầm, lặng lẽ, nhưng khi cần, dù chỉ một, hai lời cũng có thể dạy cho ta đạo lý thì ta vẫn phải cúi đầu đảnh lễ. Bởi vì chư Tăng Ni chuyên tâm vào điều thiện rất lớn là dạy đạo đức cho con người.
Nhưng đáng tiếc nếu như hiểu không tới, nếu tu sĩ chỉ chuyên tâm làm việc từ thiện như cứu trợ xóm nghèo này, cứu trợ xóm nghèo kia rồi đăng báo, lên mạng… mà quên tu, quên mất nhiệm vụ chính của mình là dạy đạo đức cho con người thì đó là điều thiện cạn. Cứu trợ từ thiện là một việc rất tốt, nhưng phải nhớ rằng nhiệm vụ chính của người tu sĩ là chịu trách nhiệm về đạo đức và tâm linh cho xã hội. Đó mới là điều thiện tạo ra phước rất lớn.
Trong Kinh có câu chuyện: Một người ngoại đạo hỏi Đức Phật: “Nếu chúng tôi không tu theo đạo Phật, thì khi chết, chúng tôi có được sinh lên cõi Trời không?” Đức Phật trả lời: “Trong chín mươi mốt kiếp qua, từ hồi tạo thiên lập địa tới bây giờ, ta không thấy một người ngoại đạo nào được sinh lên cõi Trời, trừ một hạng người – đó là người thường hay tuyên giảng về Nhân Quả Nghiệp Báo”.
Ý của Phật trong câu chuyện này là người nào hay nhắc nhở người khác về luật Nhân Quả Nghiệp Báo, người đó sẽ được phước rất lớn. Vì vậy, từ đây ta phải luôn luôn nhắc nhở người khác về nhân quả. Nếu ta không nói được thì nhờ người khác nói, hoặc tặng sách, tặng băng đĩa về nhân quả. Như vậy, cũng có nghĩa là ta đã giáo hóa được người khác. Đó là một điều thiện lớn.
-trích từ sách TRÍ TUỆ PHÂN BIỆT THIỆN ÁC-
Đánh giá Trí Tuệ Phân Biệt Thiện Ác